Bộ sưu tập công trình tre "kịch độc" của KTS Võ Trọng Nghĩa

Với những công trình tre độc đáo và ấn tượng, kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa đã góp phần vào việc mang đến một góc nhìn mới về kiến trúc Việt Nam, đồng thời khẳng định vị thế trên "đấu trường" thế giới.

Tre là vật liệu có sẵn tại Việt Nam với giá thành phải chăng hơn so với các nguyên vật liệu khác. Qua xử lý, vật liệu này được sử dụng để thiết kế các công trình tre mang đậm bản sắc dân tộc, nhưng chủ yếu là các sản phẩm nội thất, phụ kiện trang trí.

Kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa và cộng sự đã sử dụng vật liệu tre ở tầm cao hơn, dùng để thiết kế các công trình kiến trúc lớn, mang tính biểu tượng như nhà hàng, quán cà phê, nhà sinh hoạt cộng đồng... Trong số đó, nhiều công trình đã giành được các giải thưởng kiến trúc nổi tiếng thế giới.

Những công trình bằng tre vừa là thành tựu của kiến trúc sư trong việc nghiên cứu, ứng dụng vật liệu tre trong xây dựng, vừa giúp hình thành xu hướng vật liệu mới, thân thiện với môi trường, mang lại cho con người cảm giác được hòa mình vào thiên nhiên rộng lớn, được thư giãn tối đa nhất.

Trong bài viết này, Dothi.net giới thiệu tới bạn đọc 6 công trình tre "kịch độc" được thiết kế bởi kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa.

1. Quán cà phê Gió và Nước

Tọa lạc tại Bình Dương, quán cà phê Gió và Nước được hoàn thành hồi tháng 1/2008 với tổng diện tích khoảng 270m2. Công trình đã đoạt giải thưởng kiến trúc quốc tế (International Architecture Awards - IAA) của Mỹ năm 2009; huy chương vàng Giải thưởng ARCASIA năm 2011 và giải nhất Kiến trúc xanh tương lai 2011.

Nguyên liệu chính dùng để xây dựng quán cà phê là từ 7.000 cây tầm vông, một vật liệu truyền thống, gần gũi với con người Việt Nam. Mái vòm của nhà hàng được thiết kế bằng tre cao 10m, bề ngang 15m, dựng từ 48 đơn vị cột - kèo với mỗi cột - kèo gồm nhiều thanh tre ghép lại với nhau. Đặc biệt, phía trên mái vòm có khoảng mở rộng 1,5m để lấy sáng và thông gió tự nhiên.

Kiến trúc sư sử dụng gió tự nhiên, nước hồ và gió từ hồ nước để làm mát không gian bên trong mà không cần dùng tới hệ thống điều hòa, thông hơi. Công trình là giải pháp kiến trúc phù hợp với khí hậu nhiệt đới nóng ẩm của Việt Nam, đồng thời là tác phẩm nghệ thuật gần gũi với văn hóa dân tộc.

Hồ nước mang đến bầu không khí mát mẻ cho không gian quán và tạo bóng đổ sinh động.
Công trình thể hiện mối tương quan giữa kiến trúc và sự hòa hợp với tự nhiên.
 Hàng nghìn cây tre liên kết với nhau tạo thành phần mái chữ V độc đáo, tạo không gian thoáng đãng với khẩu độ lớn là 12m.
Mái vòm bằng tre với bề ngang 15m, chiều cao 10m.

2. Nhà hàng tre Bamboo Wing 

Tọa lạc trong khuôn viên của Flamingo Đại Lải resort, công trình tre Bamboo Wing được thiết kế dựa trên ý tưởng từ cánh chim hạc trên mặt trống Đồng. Kết cấu chính của công trình là 2 bộ cánh tre uốn cong, úp lưng vào nhau như cánh hạc vút bay trên mặt hồ Đại Lải. Kiến trúc sư kết nối các nhịp tre thành vòm cong, tạo nên mái nhà ấn tượng.

Kiến trúc nhà hàng Bamboo Wing thể hiện rõ sự thân thiện, hài hòa giữa kiến trúc truyền thống với môi trường tự nhiên. Những tia nắng chiếu xuống mặt hồ Đại Lải giống như mảng pha lê phát sáng cho cả nhà hàng lẫn cảnh quan xung quanh. Đêm xuống, hệ thống nến được giấy trong ống tre tạo thành những vùng sáng ấm áp, mang lại cho du khách trải nghiệm thú vị.

Năm 2011, Bamboo Wing đạt giải thưởng International Architecture Award (IAA). Sau đó, công trình tiếp tục nhận được 2 giải thưởng kiến trúc thế giới lớn là Good Design Award 2012 và FuturArc Prize 2012.

Nhà hàng tre được bao bọc bởi cây xanh, mặt nước, mang lại cho khách hàng những trải nghiệm ấn tượng, được hòa mình vào thiên nhiên.
Mặt nước hồ phẳng lặng tạo cảm giác an yên, thư thái.
Công trình tre gợi nhớ hình ảnh cây đa, bến nước nơi làng quê yên bình.

3. Nocenco Cafe ở Vinh, Nghệ An

Với kiến trúc bằng tre độc lạ, Nocenco Cafe được Archdaily - tạp chí kiến trúc hàng đầu của Mỹ đăng tải hình ảnh, đồng thời dành nhiều lời khen ngợi. Công trình tọa lạc ở 2 tầng trên cùng của một tòa nhà 7 tầng tại trung tâm TP. Vinh, tỉnh Nghệ An.

Kiến trúc sư không thay đổi lớp vỏ hiện trạng bên ngoài của tòa nhà cũ nhưng vẫn tạo ra nét hấp dẫn riêng, biến công trình thành tác phẩm nghệ thuật mang tính biểu tượng.

Theo đó, kiến trúc sư cho bao phủ cấu trúc bê tông hiện hữu ở tầng 7 bằng tre, tạo đặc điểm nhận diện công trình. Cùng với đó, trần nhà cũng được ốp vòm tre, gây ấn tượng ngay từ ánh nhìn đầu tiên.

Công trình tre này được xây dựng trên tổng diện tích 687m2, hoàn thành năm 2018.

Kiến trúc sư sử dụng 10 cột tre để che đi kết cấu bê tông hiện có và 4 cột được bổ sung thêm nhằm tạo sự cân bằng cho tổng thể công trình. Cột tre còn giúp phân tách tương đối các không gian chức năng trong quán cà phê.  
Kiến trúc vòm tre giống như các hang động liên thông với nhau, mang đến tầm nhìn thoáng đẹp và rộng mở cho các thực khách.
Từ xa, bạn có thể nhìn thấy kiến trúc mái vòm khổng lồ này. Club trên tầng thượng là nơi tụ tập của cư dân sinh sống ở TP. Vinh.
Giải pháp lấy sáng và thông gió tự nhiên được ứng dụng triệt để trong công trình tre.
Khoảng hở tinh tế trên đỉnh mái vòm giúp không khí lưu thông liên tục.
Kiến trúc mái vòm mang đến cái nhìn ngoạn mục cho tổng thể công trình tre.

4. Nhũ tre - Bamboo Stalactite

Công trình tre này được đặt tại triển lãm kiến trúc Venice Architecture Biennale và đăng ký tham dự giải thưởng kiến trúc quốc gia năm 2018 ở hạng mục Kiến trúc công cộng.

Nhũ tre gồm 11 mô-đun, được kết hợp ăn ý giữa hai cấu trúc hình hyperbol . Đội ngũ kiến trúc sư đã chuẩn bị sẵn dầm và cột tre tại Việt Nam, sau đó chuyển sang Italia, thi công trong vòng 25 ngày.

Đây là công trình kiến trúc công cộng thể hiện sự tự do, bình đẳng dành cho tất cả mọi người. Với vật liệu tre linh hoạt, dẻo dai và hình khối đa dạng, công trình trở thành điểm nhấn nổi bật của khu triển lãm.

Bamboo Stalactite được thiết kế năm 2017, hoàn thành xây dựng năm 2018 với tổng diện tích 290m2.

Công trình nhũ tre gồm 11 mô-đun, trong đó mỗi mô-đun được cấu thành bởi  hai cấu trúc hyperbole.
Nhũ tre được sử dụng cho không gian trưng bày, sân chơi trường học, bảo tàng hoặc là nơi thư giãn cho tất cả mọi người.
Với cấu trúc mô-đun linh hoạt, công trình dễ thi công và lắp ráp.
Vật liệu tre tạo nên những không gian kiến trúc đa dạng, góp phần kết nối hài hòa giữa thiên nhiên với con người.
Các mô-đun tre kết nối chặt chẽ và tùy chỉnh.

5. Công trình tre trong khuôn viên Hương An Viên

Công trình tre với kiến trúc độc đáo nằm trong khuôn viên nghĩa trang cách TP. Huế khoảng 10km về phía Tây Nam. Tòa nhà được thiết kế để tạo thành một phần hữu cơ của khung cảnh thiên nhiên, thể hiện sự thành kính đối với những người đã khuất và tạo bầu không khí yên bình, xua tan vẻ u uất thường thấy tại các nghĩa trang.

Kiến trúc mái tre cong vút được lấy cảm hứng từ sự mềm mại, nhẹ nhàng của Huế trong tiềm thức của người Việt. Mái công trình bảo vệ cấu trúc bên trong khỏi nắng mưa và mang lại sự thông thoáng cho không gian.

Với thiết kế mở thông minh, công trình không phụ thuộc vào điều hòa không khí hay ánh sáng nhân tạo vào ban ngày. Mỗi tòa nhà là một mô-đun duy nhất, cấu trúc đơn giản, dễ dàng lắp ráp, giúp tiết kiệm chi phí về xây dựng cũng như vận chuyển.

Kiến trúc sư lựa chọn các vật liệu địa phương với giá thành phải chăng như tre, nứa, tranh, gạch... Gạch đục lỗ cho phép luồng không khí và ánh sáng đi vào bên trong. Ban ngày, tòa nhà không cần phụ thuộc vào điều hòa không khí hay ánh sáng nhân tạo.
khung cảnh nhà tre độc đáo với tầm nhìn thoáng đãng ra cảnh quan thiên nhiên xanh mát

Mỗi tòa nhà chỉ yêu cầu một mô-đun duy nhất, áp dụng cho cấu trúc đơn giản, được lắp ráp nhanh chóng với kinh phí thấp về xây dựng cũng như vận hành. Công trình hoàn thành năm 2020, trên tổng diện tích 500m2.

Công trình tre tọa lạc trong khuôn viên Hương An Viên, như hòa lẫn vào khung cảnh thiên nhiên rộng lớn.
Phần mái vút cong gợi nhớ kiến trúc truyền thống của người Việt.
Không chỉ đảm bảo các tiêu chí thiết kế kiến trúc, công trình tre còn thỏa mãn những yêu cầu về mặt phong thủy nói chung.
Mái tre buông rũ từ đỉnh mái tới các cột treo chống đỡ bên dưới.
Dù đứng ở bất kỳ nơi nào bên trong công trình tre này, bạn đều có thể chiêm ngưỡng cảnh quan thiên nhiên xanh mát bao quanh.
Công trình tre vẫn rất nổi bật khi đêm xuống. Ánh đèn vàng tạo bầu không khí ấm áp.

6. Nhà hàng tre có mái rộng hơn 1.000m2

Tính đến thời điểm hiện tại, đây là cấu trúc tre cao nhất của VTN Architects, được hoàn thành năm 2020 trên tổng diện tích 1.000m2. Nhà hàng tre bên bìa rừng Cúc Phương khiến người ngắm choáng ngợp bởi phần mái tròn 3 tầng, rộng tới 1.050m2, được ghép từ hai mái hình vành khuyên xếp chồng lên nhau cùng một mái vòm trên cùng.

Thiết kế phần mái bậc thang lấy cảm hứng từ kiến trúc truyền thống, với 36 khung mô-đun. Chúng tựa như một cấu trúc nhiều tầng, tuy nhiên trên thực tế chỉ nằm trên một tầng duy nhất.

Được biết, công trình tre này là một phần trong khu phức hợp nghỉ dưỡng  Vedana Resort do kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa và cộng sự thiết kế, quy hoạch toàn bộ. Khu phức hợp gồm 8 bungalow, 5 tòa condotel, 135 villa với số phòng lên đến 622 phòng, dự kiến phục vụ 1.350 người.

Nhà hàng tre - không gian trung tâm phục vụ lượng khách nói trên, dành cho sự kiện tiệc cưới và một số hoạt động cộng đồng khác. Công trình nằm bên hồ nhân tạo có chức năng điều hòa tiểu vi khí hậu - giải pháp cần thiết ở vùng khí hậu nóng ẩm mưa nhiều tại miền Bắc Việt Nam nói chung.

Đặc biệt, hồ nước lưu trữ nước mưa và nước ngầm từ trên núi, cung cấp nước tưới cho tất cả các loài thực vật trên khu đất rộng 16,4 ha. Cảnh quan sông nước, núi non thơ mộng bao quanh công trình tre, mang đến tầm nhìn rộng mở cùng những trải nghiệm khó quên cho thực khách.

Nhà hàng tre có bán kính mái vòm lớn nhất khoảng 18m, chiều cao gần 16m. 
Công trình tre cùng với hồ nước nhân tạo xanh mướt tạo thành một tổng thể thống nhất, tạo điểm nhấn kiến trúc cho khu vực.
Công trình sở hữu tầm nhìn ngoạn mục ra cảnh quan núi rừng hùng vĩ.
Kiến trúc mái rộng lớn bảo vệ cấu trúc bên trong và là đặc điểm nhận diện của công trình.
Cấu trúc vòm đặc trưng của những công trình tre do kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa thiết kế. Mái vòm tạo độ thoáng mở cho không gian, giúp thông gió tự nhiên tối đa.
Ánh sáng lọc qua các lớp khung tre mang đến nhìn ngoạn mục, khiến người ngắm khó rời mắt khỏi cấu trúc vòm.
Với nhà hàng độc đáo này, du khách có thể tạm rời xa nhịp sống đô thị hối hả để hòa mình vào cảnh quan thiên nhiên rộng lớn, được thư giãn, tái tạo năng lượng.
Đêm xuống, công trình tre lung linh tựa như một chiếc đèn lồng tỏa sáng.

Lam Giang (TH)

 

Tin tức

Thứ tư, 13/12/2023

Một căn penthouse 5 phòng ngủ có diện tích gần 22.000 feet vuông (tương đương khoảng hơn 2.000m2) đã được bán với giá hơn 136 triệu USD (tương đương khoảng 3.200 tỷ đồng), xác lập kỷ lục căn hộ áp mái đắt nhất ở Dubai dù chưa thành hình.

Thứ tư, 13/12/2023

Sáng nay, giá vàng thế giới biến động nhẹ, đồng USD giảm trước thềm cuộc họp Fed. Trong khi đó, giá vàng trong nước được điều chỉnh giảm mạnh, mức cao nhất lên đến 400.000 đồng/lượng.